[Nguồn: tinhte.vn]
Những thông tin sau đây được cung cấp bởi một cựu quân nhân Hoa Kỳ trước đây từng làm lính bắn tỉa trong biệt đội U.S. Army Ranger.
Nhắc đến lính bắn tỉa, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một người lính đầy hoa lá cành (ngụy trang), hoạt động đơn độc, khó bị phát hiện và sở hữu thứ vũ khí chết người có khả năng bắn "1 phát, 1 em". Hầu hết các quan niệm trên đều đúng, chỉ có điều thực tế họ không hoạt động một mình mà thường đi thành cặp, trước khi đi làm nhiệm vụ (bắn tỉa) họ cũng phải học thuộc lòng nhiều thứ như một học sinh ở nước ta và trước khi bóp cò thì họ phải vắt óc suy nghĩ và tính toán hàng chục biến số khác nhau để tạo nên một cú bắn hoàn hảo. Thật lắm công phu.
1. Nhiệm vụ của lính bắn tỉa là gì?
Nếu bạn nghĩ rằng họ chỉ có nhiệm vụ bắn tỉa từ xa các mục tiêu sau đó rút về căn cứ thì còn thiếu nhiều lắm. Do họ là những người lính được đào tạo rất kỹ về các kỹ năng bắn tỉa ở cự ly xa, kỹ năng ngụy trang, chuyển vận (di chuyển mà không bị phát hiện) và quan sát tốt nên một người lính bắn tỉa có thể đảm đương toàn bộ các nhiệm vụ sau:
Ngoài ra, lính bắn tỉa còn có các vai trò khác như tìm kiếm và phát hiện nơi ẩn náu của đối phương (bộ binh, các lính bắn tỉa khác...) hoặc đặc biệt hơn là làm giảm nhuệ khí của quân địch bằng cách tiêu diệt những cá nhân chủ chốt của quân thù, ví dụ như hạ gục sĩ quan chỉ huy, phi công, tài xế, kỹ sư và kể cả phá hủy các máy móc điện đàm. Biến quân địch trở thành rắn mất đầu hoặc rơi vào tình trạng hoảng loạn thật sự trước những cái chết không hề được báo trước, tất cả chỉ tốn 1 viên đạn của anh chàng bắn tỉa này. Tuy nằm phục kích từ xa nhưng người lính bắn tỉa có thể phân biệt được đâu là lính thường còn đâu là chỉ huy, nhờ vào khả năng quan sát của mình. Khi phục vụ trong quân đội, họ sẽ quen với cách hành xử, cử chỉ của một viên chỉ huy là như thế nào. Từ đó nhìn vào một nhóm người, lính bắn tỉa có thể phân biệt ai mới là chỉ huy thực sự. Đây là một trong những lý do vì sao trên chiến trường, quân lính không bao giờ được giơ tay chào chỉ huy. Vì đó có thể là lần cuối cùng viên chỉ huy đó được chào trước khi gục xuống bởi một viên đạn bắn tỉa. Ngoài việc kết liễu kẻ địch ra, mục tiêu của lính bắn tỉa cũng có thể là các loại máy móc quân dụng, xe cộ, máy bay hoặc thiết bị liên lạc, rađa của đối phương. Bắn một phát vào guồng máy của chiếc trực thăng đang bay cũng tạo nên hiệu quả tương tự như bắn vào viên phi công.
- Đi trinh sát, do thám: Không ai có thể đi trinh sát tốt như lính bắn tỉa vì họ có kỹ năng di chuyển trong lòng địch mà không để bị phát hiện, thoắt ẩn thoắt hiện như một Ninja.
- Vai trò phục kích: Trạng thái tấn công. Họ kiếm cho mình một địa điểm ẩn náu tốt để có thể quan sát được cả chiến trường, sau đó hỗ trợ các đơn vị bộ binh khác trong việc tiêu diệt kẻ địch.
- Vai trò đánh chặn: Trạng thái phòng thủ. Có chức năng hỗ trợ quân mình bảo vệ một khu vực hay cứ điểm nào đó. Thông thường họ sẽ chọn đứng trên nóc nhà để quan sát và tấn công kẻ địch từ xa đang tiến tới.
Khi không có mục tiêu cụ thể, mức độ nguy hiểm mà lính bắn tỉa gây ra cũng rất cao. Họ có thể nằm một chỗ kiên nhẫn chờ thời cơ, quan sát kẻ địch di chuyển, phát hiện có tên lính nào lơ là bỏ đi hút thuốc, các phi công đang kiểm tra máy bay hay lính canh gác đều có thể "ăn" đạn của lính bắn tỉa. Không phải tự nhiên mà các nhà hoạch định chiến lược quân sự gọi lính bắn tỉa là lực lượng có hệ số nhân, bởi vì chỉ cần một lính bắn tỉa thôi cũng đủ gây ra thiệt hại lớn về quân số cho bên kia mà thậm chí không cần phải chạm trán trực diện.
Do đặc thù nhiệm vụ của lính bắn tỉa là ẩn nấp và phục kích nên hành trang của họ thường không nhiều như các đơn vị lính khác. Thêm vào đó, họ không làm nhiệm vụ một mình mà là đi thành từng cặp 2 người để hỗ trợ nhau trong các nhiệm vụ phục kích có khi kéo dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày liền.
2. Tại sao bắn tỉa cần đến 2 người?
Một nhóm bắn tỉa thường có 2 người, đó là: một bắn tỉa (Sniper) và một quan sát (Spotter). Tuy bóp cò chỉ cần một người là đủ nhưng tính chính xác của phát súng lại phụ thuộc rất nhiều vào những thông tin mà người quan sát thu thập được. Trước khi bóp cò, có vô số các yếu tố mà người lính phải quan tâm như khoảng cách mục tiêu, hướng gió, sức gió, tốc độ di chuyển của mục tiêu, ảnh ảo, nhiệt độ, áp khí và cả điều kiện ánh sáng. Đó là lý do vì sao phải có thêm một người nữa để hỗ trợ tính toán các biến số đó, phân tích chúng, từ đó đưa ra hướng dẫn cụ thể và tọa độ cho lính bắn tỉa thực hiện cú bắn của mình. Công cụ chính của người quan sát đó là chiếc ống nhòm có khả năng quan sát cao cấp hơn so với ống ngắm gắn trên thân cây súng. Chỉ khi nào có 2 người như thế thì người ta mới khai thác được hết tiềm năng của việc bắn tỉa.
Có thể tóm tắt quá trình phối hợp của 2 người như sau:
- Nhóm bắn tỉa (2 người) sử dụng bản đồ và hình chụp để xác định vị trí mục tiêu và đường đi tối ưu nhất tới mục tiêu đó.
- Sau đó, họ đi (hoặc lén lút đi) từ điểm đổ bộ cho đến vị trí đó.
- Sau khi đến, họ bắt đầu xây dựng nơi ẩn náu và ngụy trang cho mình.
- Kiểm tra vị trí của mình đã được ngụy trang tốt hay chưa.
- Họ cũng không quên "vẽ" đường thoát cho mình và thiết lập một địa điểm tập trung khác (cũng được ngụy trang) phòng trường hợp 2 người bị tách ra.
- Xác định vị trí mục tiêu, hoặc chờ cho mục tiêu di chuyển đến nơi đã định.
- Cả 2 vào vị trí:
- Lính bắn tỉa chọn một vị trí lý tưởng để quan sát, đặt súng ngắm.
- Người quan sát sẽ nằm sát bên, hơi lùi một chút so với lính bắn tỉa. Người này sẽ đặt ống nhòm của mình sát với nòng súng càng gần càng tốt.
- Sau đó cả hai cùng làm việc với nhau, đọc các chỉ số gió, căn góc, điều chỉnh ống nhắm... kiểm tra tất cả những yếu tố có thể ảnh hướng đến viên đạn lúc bắn ra.
- Nằm chờ mục tiêu đến.
- Khi mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ càng, mục tiêu rơi vào tầm ngắm, họ chỉ việc bắn phát súng đó và rồi nhanh chóng rút lui.
3. Nói thêm về người quan sát (Spotter):
Sau khi phát súng được bắn ra, nhiệm vụ của người quan sát vẫn chưa hết. Họ phải tiếp tục quan sát coi viên đạn có bay trúng mục tiêu hay không, nếu không thì tiếp tục hướng dẫn người bắn điều chỉnh nòng ngắm hay vị trí để bắn phát tiếp theo. Cách mà người quan sát nhìn viên đạn bay đi rất tuyệt vời, bởi vì khi bay với vận tốc cao và bắn ở cự ly xa, viên đạn sẽ tạo ra một cái đuôi, một đường đạn giống như hơi nước trên đường đi của chúng. Người quan sát nhìn vào cái đuôi này để thấy đường bay của viên đạn.
Đối với những nhiệm vụ có tính quan sát cao thì cả hai người sẽ luân phiên thay thế nhau làm người quan sát. Điều này giúp tránh được tình trạng mỏi mắt của một người và tạo điều kiện cho người đó nghỉ ngơi. Sự luân phiên hỗ trợ này rất quan trọng, đặc biệt trong những nhiệm vụ dài ngày.
Ngoài ra, người quan sát còn một chức năng quan trọng nữa đó là phải bảo vệ cho đồng đội cũng như cho bản thân minh. Chính vì thế mà ngoài ống nhòm, họ còn được trang bị một khẩu súng trường tự động như M4 hoặc M16. Bởi vì nếu nhóm bị phát hiện và tấn công thì khẩu súng bắn tỉa không phải là thứ họ có thể trông đợi trong cận chiến. Có một khẩu súng trường tự động bên mình sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, người quan sát còn được xem như là một lính bắn tỉa học việc, tức là đang trong quá trình học tập để trở thành lính bắn tỉa. Còn người bắn tỉa chính là trưởng nhóm, anh ta là người kết hợp mọi thông tin lại với nhau để thực thi nhiệm vụ. Trên chiến trường, lính bắn tỉa là người ra quyết định sau cùng cho nhóm, là người chọn hướng di chuyển, vị trí bắn, địa điểm hẹn gặp và đường rút lui. Người quan sát sẽ học hỏi những điều đó trên chiến trường, rồi dần dần sau đó tạo cho mình một nhóm riêng và trở thành lính bắn tỉa.
Spotter phải biết tự bảo vệ cho mình và đồng đội.
4. Vũ khí của lính bắn tỉa:
Xem khẩu M107 "thử lửa" ở cự ly hơn 900 mét.
"1 phát, 1 em" ("One shot, one kill") chính là khẩu hiệu, là phương châm của lính bắn tỉa. Điều này quả thật không ngoa khi mà họ được trang bị một trong những loại súng bắn tỉa mạnh mẽ nhất trong hệ thống súng trường. Với một khẩu M-21, PSG-1 hay M107 trong tay, người lính bắn tỉa có thể biến nó thành một thứ vũ khí chết người cực kỳ nguy hiểm ở cự ly xa đến hàng dặm (1 dặm = 1,6 km). Có lẽ bạn sẽ choáng khi nhìn vào kích thước của viên đạn cỡ .50 Cal dài hơn 13 cm của khẩu M107 dưới đây (hình và video). Viên đạn to "khủng bố" này khi bắn ở cự ly gần 1 cây số có thể phá nát đống bê tông dày gần 1 mét hoặc chọc thủng cả một tấm thép dày. Viên đạn sau khi ra khỏi nòng sẽ bay với vận tốc nhanh hơn vận tốc âm thanh đến 3 lần, đảm bảo mục tiêu sẽ gục ngã trước khi nghe được tiếng súng. Ngoài ra, trước khi được đưa ra chiến trường thì các khẩu súng này còn được nâng cấp bởi một người thợ làm súng chuyên nghiệp để tăng tính chính xác và độ tin cậy trong lúc bắn.
Có 2 loại súng bắn tỉa: súng bolt-action (bắn một viên, lên đạn rồi mới bắn tiếp viên thứ hai) và bán tự động (semi-automatic, bắn từng viên một, không cần lên đạn giữa chừng). Thực tế, nhiều xạ thủ lại thích dùng loại súng bolt-action hơn bởi vì nó có độ chính xác cực kỳ cao và rất hữu ích để bắn các mục tiêu đơn lẻ. Trong khi loại bán tự động thì thích hợp với những hoàn cảnh phải đối phó với nhiều mục tiêu cùng lúc. Sau cùng, quyết định chọn loại súng nào còn tùy theo gu của mỗi người lính.
Giá trung bình của mỗi cây súng bắn tỉa dao động từ 8.000$ - 15.000$, tùy từng quốc gia.
Khẩu M107.
Kích thước thật của viên đạn .50 Cal (xem trên màn hình 19", độ phân giải 1280 x 1024).
Lịch sử quân đội từng ghi nhận kỷ lục cú bắn tỉa chính xác xa nhất từ trước đến nay đó là 2,47 km, bắn 2 phát liên tục trúng hết cả 2 mục tiêu. Kỷ lục được lập bởi anh chàng Hạ sĩ Craig Harrison của quân đội Anh. Anh đã dùng khẩu Accuracy International L115A3 để tiêu diệt 2 tên Taliban ở cự ly không tưởng là 2,47 km tại chiến trường Afghanistan, tháng 11/2009. Phát súng thứ 3 của anh cũng đã bắn trúng khẩu súng máy PKM của Taliban, làm nên một thành tích rất đáng ghi nhận trong lịch sử quân đội nói chung và thiện xạ nói riêng.
5. Ống ngắm của súng tỉa:
Ống ngắm là thành phần quan trọng thứ hai sau thân súng, nó chính là phiên bản đặc chế của kính thiên văn, đặt phía trên thân súng, có tác dụng phóng đại hình ảnh và đặt một dấu hồng tâm lên chính giữa hình ảnh được phóng đại đó. Khi nhìn và ngắm qua ống ngắm này, người lính cần phải canh sao cho hồng tâm trùng với điểm mà viên đạn sẽ chạm mục tiêu (tính toán trước đường bay của viên đạn). Bởi vì nếu bắn ở cự ly xa hơn 548,64 mét thì điểm hồng tâm mà họ đang nhắm sẽ không còn là điểm mà viên đạn đáp xuống. Có rất nhiều yếu tố môi trường ảnh hướng đến đường đi của viên đạn như hướng gió, sức gió, thời tiết... Do đó họ phải tính toán khoảng cách, sau đó canh chỉnh ống ngắm của mình dựa vào các yếu khí hậu trên, sao cho hồng tâm trùng với điểm rơi của viên đạn là lý tưởng. Phía trên ống ngắm có các nút xoay để người lính canh chỉnh lại ống ngắm của mình.
Đơn vị lính thủy đánh bộ U.S. Marine Corps sử dụng loại ống nhắm Unertl bằng thép, nặng khoảng 1 kg, dài 25 cm, dùng ống kính loại 32 mm và có khả năng phóng đại hình ảnh lên 10 lần.
Các ống ngắm này khi nhìn vào thường có 2 đường thẳng đặt vuông góc với nhau tạo thành một dấu thập lớn. Trên 2 đường thẳng này là các chấm định vị (Mil dots) được đặt đều nhau. Người lính trong khi nhắm sẽ dựa vào những chấm Mil này để xác định khoảng cách tới mục tiêu.
Các chấm Mil trên ống ngắm.
6. Ngụy trang kiểu... lính:
Khác với các nhiệm vụ bắn tỉa trong thành phố, người lính bắn tỉa trên chiến trường thường phải ngụy trang bản thân mình để hỗ trợ cho công việc trinh thám và không bị kẻ địch phát hiện. Tùy vào điều kiện môi trường mà họ sẽ ngụy trang sao cho giống với môi trường đó, có thể là màu xanh rừng cây, màu vàng của sa mạc hay màu trắng của băng tuyết. Nói chung, môi trường màu gì thì lính bắn tỉa phải màu đó. Và để ngụy trang như thế, người lính phải mặc trên người bộ đồ có tên Ghillie Suit. Tùy vào môi trường xung quanh mà họ sẽ tùy biến vẽ vời trên bộ đồ này cho dễ ẩn thân.
Người ta gắn lên bộ đồ này chi chít các mảnh vải vụn cùng nhiều vật liệu khác nhau, có khi có cả các cành cây, dây leo, thực vật... để cho giống với môi trường xung quanh, giúp cho người lính trở nên "tàng hình" trước mắt kẻ địch. Kể cả cây súng dài ngoằng mà họ mang theo cũng được "nâng cấp" với hàng tá cây cỏ, vải vụn và sơn phết bằng màu cho phù hợp với thiên nhiên. Chính bộ đồ Ghillie này sẽ làm nhòa đi hình dáng con người, xóa đi những nét đặc trưng của một cơ thể con người, hòa lẫn với môi trường và nhờ đó, người lính có thể nằm cách kẻ địch có 1 mét mà vẫn không hề bị phát hiện.
Bộ đồ Ghillie.
7. Cũng phải học bài như một học sinh:
Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, mỗi người lính cũng phải học thuộc lòng khá nhiều thông tin cần thiết, từ chi tiết nhiệm vụ, chỉ dẫn của chỉ huy, cho đến cả những việc ai phải làm gì, vào lúc nào, ở những đâu, làm như thế nào... Mỗi một người lính khi ra trận đều phải biết chuyện gì đang diễn ra, tình hình diễn biến như thế nào và hành động tiếp theo trong kế hoạch là gì. Họ còn phải ghi nhớ trong đầu cả tần số radio liên lạc để khi có bị kẻ địch bắt giữ, những thông tin mật đó cũng không bị lộ ra. Nên cách bảo mật tốt nhất lúc này đó là phải học, học thuộc lòng như học một bài văn mẫu của học sinh nước ta.
8. Bắn tỉa cũng phải qua trường lớp đào tạo:
Không phải tự nhiên mà ai có thị lực tốt, sinh ra là một "thiên tài bắn tỉa" hay "sát thủ bẩm sinh" là được trở thành lính bắn tỉa. Các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ như SEAL, CCT hay Army Ranger đều có thành viên bắn tỉa trong đội của mình, và danh hiệu bắn tỉa đó không phải tự nhiên có được mà phải được chứng quận qua trường lớp đàng hoàng. Nổi bật lên trong số đó chính là trường dạy bắn tỉa U.S. Marine Corps Scout Sniper School (USMC). USMC được xem là "lò" luyện xạ thủ tốt nhất trên đất nước Mỹ. Những học viên ở đây đều là thành viên ưu tú trong các đội đặc nhiệm được đề cử cho đi học làm lính bắn tỉa.
Tiêu chuẩn tuyển chọn thành viên cho đi học bắn tỉa không phải dựa vào tài năng bẩm sinh của mỗi người, mà phải dựa vào tinh thần và ý chí của người đó. Bởi vì người lính bắn tỉa sẽ đảm đương những trọng trách rất lớn có liên quan đến sự an toàn của cả đội. Họ cần phải có khả năng ra quyết định nhanh, một cái đầu bình tĩnh và một bản tính điềm đạm. Như thế họ mới đủ tự tin đi làm nhiệm vụ một mình mà không cần sự hỗ trợ từ các đơn vị quân đội khác. Đã là tính bắn tỉa thì phải ra quyết định nhanh và rõ ràng, đúng đắn, không thể nào lại tự hỏi rằng "Giờ mình nên làm gì ta?", "Có nên bắn thằng đó không ta?"...
Khóa học bắn tỉa tại USMC sẽ diễn ra trong vòng 2 tháng. Học viên sẽ được đào tạo về thể chất lẫn kỹ năng cần thiết cho một người lính bắn tỉa. Các bài học được đưa ra dưới dạng "trò chơi" để thách thức học viên. Sau khi tốt nghiệp, có 3 tố chất sau sẽ in sâu vào mỗi người lính đó, đó là:
Điều quan trọng khi học ở trường USMC đó là những kỹ năng học được phải thường xuyên được thực hành, làm đi làm lại liên tục nhiều lần. Nếu không thì những kỹ năng đó sẽ dần bị lụi tàn vào quên lãng. Ở trên lớp họ được học lý thuyết, các nguyên tắc khi bắn, cách xác định khoảng cách, mục tiêu, xác định hướng gió, thời tiết... Sau đó được thực hành trên trường bắn với đạn thật.
- Tài thiện xạ (Marksmanship)
- Khả năng quan sát tốt (Observation)
- Kỹ năng lẩn tránh kẻ địch (Stalking)
Ví dụ về một trong những bài học của lính bắn tỉa, đó là cách chọn vị trí nằm phục kích. Người lính bắn tỉa có thể chọn vị trí bắn tỉa càng xa mục tiêu càng tốt, miễn là vẫn đảm bảo được độ chính xác thì họ sẽ ít có nguy cơ bị phát hiện hơn. Bởi vì khi sử dụng các viên đạn 7,62 ly bắn ở cự ly xa hơn 600 mét, họ sẽ hầu như không gây ra bất kỳ tiếng động nào.
Mặc dù viên đạn bay nhanh hơn vận tốc âm thanh, chúng bay trước tiếng súng nổ nhưng bản thân viên đạn lại tạo ra âm thanh răng rắc do bay với tốc độ siêu âm. Mục tiêu tuy không nghe được tiếng súng nhưng sẽ nghe thấy tiếng đạn rít bay vút qua trong không trung. Nhưng may thay, lực cản do gió tạo ra tác động lên viên đạn sẽ làm cho nó bay chậm lại dưới vận tốc siêu âm sau khi rời nòng súng được khoảng 600 mét. Do đó nếu bắn ở cự ly xa hơn 600 mét (lý tưởng là từ 800 - 1.000 mét), mục tiêu chẳng những không nghe được tiếng súng mà cũng không nghe được tiếng đạn rít lên. Lính bắn tỉa có thể thỏa sức nằm tỉa suốt ngày từ sáng đến tối, hết mục tiêu này đến mục tiêu khác mà đối phương thậm chí còn không hay biết là mình đang bị bắn.
9. Được rèn luyện khả năng quan sát:
Do phần lớn thời gian của một lính bắn tỉa là đi do thám, quan sát kẻ địch nên khả năng quan sát của họ phải đạt đến một trình độ đỉnh cao. USMC vì thế cũng có một số "trò chơi" để rèn luyện khả năng quan sát của từng học viên. Một trong số đó có thể kể đến trò "KIMS".
Nội dung trò chơi KIMS: Người ta đặt lên bàn nhiều đồ dùng khác nhau như: viên đạn, kẹp giấy, chai nước, bút chì, mảnh giấy được ghi chữ... có từ 10 đến 20 thứ đặt trên bàn. Sau đó tập hợp học viên lại và cho họ 1 phút để ngắm nhìn những thứ đó. Sau 1 phút, họ quay trở về chỗ ngồi và miêu tả mình đã thấy những gì trong 1 phút đó. Nhưng họ không được ghi là đã thấy "viên đạn", "kẹp giấy"... mà phải ghi là "màu bạc, hình dạng dây bằng kim loại, cong theo hình oval ở 2 đầu...". Mục đích của bài tập này đó là rèn luyện khả năng quan sát thật sự cho người lính, quan sát bằng con mắt thực tại chứ không phải quan sát bằng nhận thức hay hiểu biết về những đồ dùng đó.
Các học viên sẽ "chơi" trò này liên tục nhiều lần trong suốt 2 tháng liền của khóa học và độ khó sẽ dần dần được tăng lên. Để tăng độ khó, người ta kéo dài thời gian giữa lúc xem và lúc trả lời để sau cùng, mỗi học viên có thể quan sát và nhớ đến 25 đồ vật khác nhau vào buổi sáng, sau đó đi học, đi tập luyện, để rồi đến tối mới bị lôi ra hỏi lại sáng nay đã nhìn thấy những gì.
Một trò chơi khác để rèn luyện khả năng quan sát: cầm ống ngắm để tìm đồ vật. Người ta sẽ giấu đồ vật trên một chiến trường giả lập, còn học viên thì dùng ống ngắm để tìm những đồ vật đó. Nghe có vẻ dễ dàng nhưng nếu biết cần phải tìm cho ra một cái đầu cây bút bi nhô ra khỏi mặt đất đầy cỏ thì bạn sẽ suy nghĩ lại đấy. Các học viên phải nhìn đến từng chi tiết trên chiến trường, đặt ống ngắm lên, quan sát trong vòng vài phút sau đó tiếp tục di chuyển, rồi lại ngắm tiếp chỉ trong vài phút. Nhờ đó mà chỉ sau một thời gian, khả năng quan sát của người lính bắn tỉa được nâng lên rõ rệt. Họ chú ý tiểu tiết hơn, nhìn thấy nhiều thứ hơn. Khi ra chiến trường, họ có thể nhìn thấy thứ mà người khác không thấy hoặc không bao giờ để ý tới.
10. Bài tập về kỹ năng lẩn tránh, lén lút (stalking, stealth):
Di chuyển chậm rãi, kiên nhẫn, cẩn thận và có phương pháp. Đó là những gì mà người lính bắn tỉa sẽ được học. Khi cần thiết, họ cũng phải chịu được cảnh nằm yên một chỗ trong nhiều ngày liền để quan sát và tránh bị phát hiện.
Trong lúc "stalking", nhiều khi họ phải nằm bẹp dưới mặt đất và sẽ khá ngạc nhiên về tầm nhìn lúc đó. Vì họ sẽ thấy những thứ mà trước kia họ thường xuyên bước qua chúng mà không hề nhìn thấy bao giờ. Ngay cả một ụ đất nhỏ cũng trông giống như một quả núi to lớn. Điều quan trọng trong lúc stalking là phải chọn ra được vị trí tiếp theo mà mình cần phải bò-trườn-lê-lết đến vị trí đó. Phải tự đặt ra câu hỏi vị trí tiếp theo đó có che chắn cho mình được không và làm thế nào để di chuyển đến vị trí đó.
Để đạt được kỹ năng stalking này, một trò chơi nữa lại được đặt ra và có độ khó cực kỳ cao, trò chơi "The Stalk". Địa điểm "chơi" là một khu vực đầy cỏ, dài 1.000 mét. Học viên đứng ở đầu bên này của sân, còn ở đầu bên kia, cách xa 1 cây số là 2 người giáo viên đang ngồi trên xe hoặc trên tháp canh được trang bị ống ngắm. Mục tiêu của trò chơi là học viên phải tiếp cận được 2 người này mà không bị phát hiện. Để tăng thêm độ khó và tính thực tế, sẽ có thêm 2 lính canh đi tuần tra trên sân. 2 giáo viên và 2 lính canh sẽ liên lạc với nhau bằng bộ đàm để tìm cho ra các học viên bắn tỉa bên dưới.
Trò chơi chỉ hoàn thành khi mà học viên tiếp cận được giáo viên trong bán kính 150 mét, không bị phát hiện, bắn một phát súng vào giáo viên thứ nhất (dùng đạn giả) mà vẫn không bị phát hiện, sau đó tiếp tục di chuyển đến vị trí bắn thứ hai và bắn tiếp phát súng thứ hai vào người còn lại. Để kiểm tra học viên có thực sự nhắm bắn vào mục tiêu là giáo viên hay không, học viên cần phải trả lời chính xác tấm thẻ mà người giáo viên đang cầm trên tay và nói rõ họ dùng mấy ngón tay để cầm. Trò chơi này cũng là bài kiểm tra sau cùng. Nếu thất bại quá nhiều lần, họ sẽ bị loại khỏi chương trình giảng dạy.
Bên cạnh đó, viên cựu quân nhân cũng cho biết thêm là những bài học ở đây khá khác so với thực tế. Khác nhau ở chỗ trên chiến trường thực, nhiệm vụ sẽ dễ hơn rất nhiều. Vì thực tế người lính bắn tỉa không bao giờ phải tiến đến gần mục tiêu như vậy (150 mét). Do đó, nhiệm vụ thực tế hóa ra lại dễ hơn nhiều so với trong trường.
Lính bắn tỉa là phải luôn luôn ở trạng thái sẵn sàng, sẵn sàng sử dụng mọi kỹ năng của mình để dấn thân vào những tình huống nguy hiểm, sử dụng kỹ năng trinh thám và tài nghệ xạ thủ chết người của mình để vô hiệu hóa quân lực của đối phương. Mặt khác, cũng không nên quan niệm người lính bắn tỉa như những kẻ ám sát. Trẻ con thường nghĩ họ là những người ám sát, lẻn vào nhà, giết đại tướng sau đó lẻn ra ngoài... đó là những điều thường thấy trên phim. Thực tế có đôi khi lính bắn tỉa cũng làm tương tự nhưng trường hợp đó cực kỳ kiếm.
Total Pageviews
Friday, January 18, 2013
Tìm hiểu về lính bắn tỉa
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment